1. Chuẩn bị
Việc đầu tiên ứng viên cần làm sau khi nhận được lời mời phỏng vấn là chuẩn bị một bộ hồ sơ hoàn chỉnh gồm CV, đơn tìm việc và các giấy tờ liên quan. Tiếp đến bạn cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về nhà tuyển dụng thông qua website, facebook, tin tức báo chí… Ứng viên cần phải nắm các thông tin về mặt hàng sản xuất, kinh doanh, thị trường hoạt động… và tên người đứng đầu doanh nghiệp.
Công việc chuẩn bị cuối cùng là chọn một bộ trang phục phỏng vấn phù hợp, lịch sự; tuyệt đối tránh những trang phục màu sắc, hoa văn lòe loẹt.
2. Đi phỏng vấn đúng giờ
Đi phỏng vấn đúng giờ chính là cách thể hiện tác phong chuyên nghiệp của một ứng viên đi tìm việc. Bạn có thể đợi nhà tuyển dụng vài phút chứ họ không thể ngồi đợi bạn đến phỏng vấn. Do đó mà bạn cần phải canh thời gian đi sớm hơn thời gian hẹn để đề phòng những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Trong trường hợp bất khả kháng không thể đến buổi phỏng vấn đúng giờ, bạn cần phải chủ động gọi điện thoại xin phép dời thời gian phỏng vấn và giải thích rõ tình huống để nhà tuyển dụng thông cảm.
3. Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể
Khi đã bước vào phòng phỏng vấn, ứng viên cần phải chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của mình. Nếu người phỏng vấn chủ động muốn bắt tay thì bạn phải nhìn thẳng vào mắt họ cùng với một nụ cười ấm áp. Nếu bạn lảng tránh ánh nhìn của họ chứng tỏ bạn là một người thiếu tự tin.
Bên cạnh đó, bạn phải ngồi thẳng lưng, hai tay đặt lên bàn (nếu không có bàn thì đặt lên đùi), không rung chân, gãi ngứa…
Ảnh nguồn Internet
4. Thể hiện sự trung thực và nhiệt tình với công việc
Dù trong CV hay trả lời các câu hỏi phỏng vấn, ứng viên cũng cần phải cung cấp thông tin trung thực, tuyệt đối không được nói dối nhà tuyển dụng. Bởi những mối quan hệ xã hội của người phỏng vấn hay sự phổ biến của mạng Internet sẽ giúp họ dễ dàng kiểm chứng thông tin mà ứng viên cung cấp. Nếu câu trả lời trung thực có thể gây bất lợi thì ứng viên cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy sự thay đổi tích cực của mình. Thể hiện sự trung thực và nhiệt tình sẽ giúp ứng viên ghi điểm với nhà tuyển dụng.
5. Thẳng thắn hỏi những vấn đề còn thắc mắc
Phỏng vấn là một quá trình tương tác 2 chiều, nhà tuyển dụng không chỉ tìm hiểu ứng viên mà ứng viên cũng phải tìm hiểu về cơ hội việc làm của mình. Nếu còn vấn đề thắc mắc về công việc, tiền lương, chế độ đãi ngộ… ứng viên hãy mạnh thẳng thắn đặt câu hỏi với người phỏng vấn.
6. Gửi thư cảm ơn
Bước ra khỏi phòng phỏng vấn chưa phải là xong chuyện, nếu muốn thể hiện thái độ cầu thị, ứng viên cần phải gửi thư cảm ơn đến nhà tuyển dụng. Trong những trường hợp ứng viên sàng sàng nhau, email cảm ơn sau buổi phỏng vấn có thể sẽ là tấm vé ưu tiên cho ứng viên đó. Nội dung thư chỉ cần nói lời cảm ơn nhà tuyển dụng đã cho ứng viên cơ hội tham gia phỏng vấn, nhắc lại một lần nữa ưu thế nổi trội của bản thân phù hợp với vị trí công việc và đừng quên cho vào số điện thoại để nhà tuyển dụng liên lạc nhé…