“Khen ngợi thì có gì khó, chẳng phải dễ như trở bàn tay sao?” Trong mười người thì có đến chín người cho rằng khen ngợi là một việc quá đơn giản, chỉ cần nói vài câu tán dương là có thể khiến người ta vui như mở cờ trong bụng.
Thế nhưng nếu không thông minh khéo léo, những lời khen ngợi lại “biến thành” nghi ngờ, mỉa mai, phê bình và không coi trọng. Con người đương nhiên đều thích nghe những lời tán dương, nhưng tâm lý con người lại rất phức tạp, không phải chỉ cần dành cho một lời khen là sẽ lập tức vui vẻ. Điều mà con người theo đuổi chính là sự tán thưởng có trí tuệ, sự khen tặng có nội dung cụ thể và ca ngợi ở mức độ cao.
“Khen ngợi là sự tôn trọng đối với người khác, cũng là món quà không bao giờ lỗi mốt, khen ngợi còn là một khoản đầu tư dài hạn của các mối quan hệ tốt!
Khi bị phê bình, người ta sẽ cảm thấy không còn được tôn trọng, không còn cảm giác tự tôn. Nếu có thể kết hợp khen-chê sẽ khiến cho đối phương đón nhận những ý kiến, lời khuyên với một tâm trạng vui vẻ, bình tĩnh, tạo động lực tích cực cổ vũ họ.
Con người luôn khát khao nhận được sự tán đồng và thừa nhận từ người khác. Mỗi cá nhân sau khi đã chia sẻ sự thành thật, chân tình, thân thiện và kỳ vọng thì họ đều sẽ mong chờ có thể nhận lại được sự khen ngợi trung thực. Khen ngợi chính là món quà tốt nhất mà người khác dành tặng cho mình và cũng là sự đáp lại hoàn hảo nhất của mình đối với người khác. Khen ngợi hào phóng thể hiện sự trưởng thành và thanh lịch của chúng ta.
Dưới đây là 5 bí quyết để vận dụng thành công những lời khen ngợi.
1. Đừng khen trước, chê sau
Nếu phải phê bình một người mà không khiến họ cảm thấy bị chỉ trích thiếu tôn trọng thì bạn phải làm gì giữa hai lựa chọn: khen họ trước rồi phê bình hay phê bình họ rồi khen? Đa số mọi người nghĩ rằng, hãy khen trước để vuốt ve sau đó phê bình góp ý và rồi lại khen để xoa dịu cảm xúc của đối phương. Nhưng phê bình theo kiểu “bánh mì kẹp thịt” – lời phê bình giữa hai lời khen – là phương pháp sai lầm trong việc giảm bớt tác động của lời chỉ trích.
Theo một nghiên cứu khoa học: “Não bộ chúng ta nếu tốn quá nhiều năng lượng để phân tích lời phê bình thì sẽ không nhớ được những lời khen ngợi trước đó. Ngược lai, sau khi nghe lời chỉ trích, tâm trí và cơ thể liền bật sang trạng thái chú ý để cải thiện trí nhớ hay còn gọi là “tăng cường chủ động”. Chính vì lẽ đó mà một người sẽ ghi nhớ bất kỳ điều gì bạn nói sau lời phê bình.”
Vì thế bí quyết tâm lý đó chính là bạn hãy đưa ra lời phê bình cụ thể để họ có hành động cải thiện nó, và sau đó mới đưa ra hàng loạt những lời khen ngợi.
2. Ghi nhớ tên người khác cũng là một cách khen ngợi hiệu quả
Ghi nhớ tên của người khác không chỉ là một phép tắc trong giao tiếp xã hội mà xét ở góc độ giao lưu trao đổi đó chính là một cách khen ngợi bởi vì việc làm này sẽ khiến đối phương hiểu rằng: với bạn, anh ta rất quan trọng, ấn tượng của bạn về anh ta rất tốt đẹp và sâu sắc. Nếu mới gặp ai đó một lần mà khi gặp lại bạn có thể lập tức gọi đúng tên anh ta thì người được gọi tên nhất định sẽ cảm thấy mình được coi trọng, vì thế sẽ có thiện cảm và trở nên thân thiết với bạn hơn.
3. Lưu ý sự khác biệt về giới tính trong cách khen ngợi
Giữa đàn ông và phụ nữ có những khác biệt khi bạn đưa ra lời khen. Đối với tâm lý đàn ông, họ thích được nhận sự thán phục, tôn sùng từ người khác. Cho nên, thể hiện sự ngưỡng mộ và khen ngợi những thành quả của họ là một điều sẽ mang lại hiệu quả. Ngược lại, phụ nữ lại thích được khen ngợi nhỏ nhẹ, tinh tế khéo léo. Để khen ngợi một người phụ nữ, bạn cần nắm bắt được nội tâm cô ấy. Phụ nữ không chỉ cần được khen có ngoại hình đẹp, mà cũng cần được khen về sự trưởng thành và phong cách của họ.
4. Sức mạnh khen ngợi trong bán hàng
Khen ngợi có thể là một phương pháp hữu hiệu giúp bạn tiếp cận khách hàng và bán hàng hiệu quả hơn. Khi lần đầu gặp gỡ khách hàng, để loại bỏ tâm lý đề phòng của họ, cũng như để tạo nên bầu không khí nói chuyện hài hòa, hãy mở đầu bằng một lời khen. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm ra được ưu điểm của khách hàng, nắm được điểm quan trọng trong suy nghĩ, hứng thú của khách hàng để khen ngợi. Và đừng bao giờ quên lời khuyên: “Hãy bắt đầu bằng một lời khen!”
5. Giá trị sự khen ngợi trong công việc
Hàng ngày, ai cũng cần làm việc. Có một điều quan trọng là khen ngợi trong công việc đôi khi không cần thể hiện bằng lời nói. Việc thể hiện sự tôn trọng và tín nhiệm từ bạn cũng mang đến cho người khác cảm giác mình có giá trị và tự tin gách vác nhiệm vụ. Khen ngợi một cách thông minh có thể kích thích tâm lý cạnh tranh, khai mở tiềm năng của đối phương, thậm chí khiến họ làm nên những kỳ tích. Còn đối với lãnh đạo, quản lý của bạn thì bạn nên lựa chọn những từ một cách “trung tính”, như vậy hiệu quả sẽ cao hơn.